ĐƯA VÀO SỬ DỤNG TRẠM XỬ LÝ NƯỚC THẢI CÔNG SUẤT 150m3/NGÀY ĐÊM

Vào ngày 10/07/2023 Nhà trường đã hoàn tất nhận bàn giao hạng mục Trạm Xử lý nước thải công suất 150m3/ngày đêm Thuộc Dự án Trung tâm Phát triển Công nghệ cao Đại học Nguyễn Tất Thành.

Tham dự buổi bàn giao, phía Nhà trường gồm có: Ông Hoàng Văn Hướng – Trưởng Ban Xây dựng; Ông Phạm Ngọc Bích – Phó Ban Xây dựng; Ông Vũ Đình Thịnh – Phó Ban Xây dựng; Ông Nguyễn Hải Hùng – Chuyên viên.Đại diện nhà thầu thi công gồm có: Ông Nguyễn Ngọc Doanh – Chỉ huy trưởng; Ông Lê Hữu Hải – Cán bộ kỹ thuật.

Qua buổi làm việc, các bên đã thống nhất bàn giao lại hạng mục Trạm Xử lý nước thải công suất 150m3/ngày đêm cho Trường Đại học Nguyễn Tất Thành để có kế hoạch đưa vào vận hành sử dụng.Dự kiến hạng mục Trạm Xử lý nước thải công suất 150m3/ngày đêm khi đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về xử lý nước thải cho dự án Trung tâm Phát triển Công nghệ cao Đại học Nguyễn Tất Thành.Quy trình công nghệ được áp dụng cho hạng mục Trạm Xử lý nước thải công suất 150m3/ngày đêm bao gồm các bước:

  1. Bể thu gom:

Bơm nước thải sinh hoạt, nước thải từ phòng thí nghiệm và các nguồn phát sinh. Tại bể thu gom được lắp đặt các lưới chắn rác có tác dụng loại bỏ các loại rác thô có kích thước lớn giúp cho dòng chảy không bị tắc nghẽn và tránh bị hư hỏng đường ống.

  1. Bể điều hòa:

Điều hòa lưu lượng nước và ổn định nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải. Tại khu vực bể điều hòa, hệ thống sục khí sẽ hòa trộn nước thải trên diện tích toàn khu vực bể. Điều này giúp ngăn ngừa hiện tượng lắng cặn và sinh mùi. Đồng thời cũng giúp giảm hàm lượng chất hữu cơ lơ lửng trong nước thải.

  1. Bể khử Nitơ (Bể thiếu khí anoxic):

Bể khử Nitơ hay còn được gọi là bể sinh học thiếu khí Anoxic, sử dụng các vi sinh vật tùy nghi sinh (sử dụng hoặc không sử dụng oxy đều thích hợp) để phân huỷ các hợp chất hữu cơ có chứa Nitơ và Phốtpho trong nước thải.

  1. Bể hiếu khí:

Xử lý chất ô nhiễm trong nước thải thông qua hoạt động của các vi sinh vật hiếu khí. Chất hữu cơ ô nhiễm trong nước thải được vi sinh vật hiếu khí dùng làm chất dinh dưỡng để sinh trưởng, phát triển. Trong bể được trang bị hệ thống sục khí liên tục, cung cấp khí oxy để vi sinh vật có ích hoạt động.

  1. Bể lắng:

Nước thải trong ống phân phối dưới tác động của trọng lực và tấm hướng dòng sẽ giúp lắng các bông bùn xuống đáy. Phần nước thu được sẽ tiếp tục chảy qua bể kế để tiếp tục xử lý. Phần bùn thu được sẽ tiếp tục được xử lý phù hợp với quy trình xử lý nước thải sinh hoạt.Ngoài ra bể còn giữ lại lượng bùn hoạt tính. Một phần bùn sau khi lắng sẽ được chuyển sang bể chứa và phân hủy, phần còn lại được bơm tuần hoàn về bể anoxic nhằm duy trì nồng độ bùn trong bể.

  1. Bể khử trùng:

Trong bể được bơm 1 lượng hóa chất (dung dịch Clo) vào để tiêu diệt vi khuẩn, vi rút gây bệnh. Hơn nữa, hóa chất Clo cũng giúp ngăn ngừa sự tái nhiễm của vi khuẩn trong nước thải. Nước sau khi được xử lý tại bể xả ra môi trường đạt tiêu chuẩn QCVN 28:2010/BTNMT.

Sơ đồ nguyên lý

Quy trình công nghệ Trạm Xử lý nước thải công suất 150m3/ngày đêm

Hình ảnh: Trạm Xử lý nước thải công suất 150m3/ngày đêm

Nguồn bài viết: Ban xây dựng trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Call Now